XeThị trường Thứ hai, 26/4/2021, 13:57 (GMT+7) Suzuki XL7 – bản nâng cấp kịp thời của Ertiga XL7 giải quyết những điểm yếu về kiểu dáng lẫn trang bị của Ertiga để trở thành mẫu xe bán chạy nhất của Suzuki, doanh số vượt cả Toyota Innova. Ngoài Mitsubishi Xpander thiết lập cuộc chơi riêng ở phân khúc xe gia đình 7 chỗ giá dưới một tỷ đồng, phần còn lại chứng kiến sự vươn lên gần đây của Suzuki XL7. Mẫu MPV lai phong cách xe đa dụng SUV của Suzuki thậm chí bán vượt cả Toyota Innova, gã khổng lồ một thời nhưng hiện gặp nhiều khó khăn để tìm lại ánh hào quang. 1.346 xe bán ra trong quý đầu 2021 đưa Suzuki XL7 trở thành mẫu xe bán chạy thứ hai trong phân khúc. Năm 2020, mẫu xe nhập khẩu Indonesia vượt mốc hơn 4.400 xe, điều chưa từng có một mẫu xe con nào của hãng làm được trong khoảng 5 năm trở lại đây. Chỉ một phiên bản số tự động, giá đắt nhất (590 triệu đồng) trong dải sản phẩm Suzuki nhưng điều gì khiến XL7 trên đường trở thành ngôi sao mới nổi của hãng vốn được nhắc đến nhiều ở mảng xe thương mại thay vì xe con. Đánh giá Suzuki XL7 – xe gia đình thực dụng120 Ở thị trường Indonesia, nơi mẫu xe khai sinh, XL7 định vị cạnh tranh với Mitsubishi Xpander Cross, Toyota Rush. Nhưng khi về Việt Nam, hãng Nhật không theo cách làm này khi định giá xe chỉ ở mức 590 triệu, đắt hơn mẫu xe anh em Ertiga AT chỉ 30 triệu đồng, đồng thời thấp hơn cả Xpander (630 triệu) chứ chưa kể đến Xpander Cross (670 triệu) hay Toyota Rush (633 triệu). Thực tế thị trường cho thấy, nhận diện thương hiệu Suzuki yếu hơn nhiều hãng khác ở mảng xe con. Bên cạnh đó là sức hút lớn ổn định của Xpander trong liên tục hai năm bán ra. Hai điều này khó để Suzuki thiết lập mức giá XL7 tầm của Xpander Cross nếu muốn tối ưu hóa mục tiêu doanh số. Hãng vì thế chủ đích biến XL7 trở thành một lựa chọn cao cấp hơn của Ertiga, giải quyết những điểm chưa hoàn thiện của mẫu xe này cả về trang bị lẫn thiết kế, thay vì nằm ngang ngửa, cạnh tranh giá với các đối thủ đồng hương. Khoảng cách giá chỉ 30 triệu đồng rất dễ làm thị phần của Ertiga và XL7 giẫm chân lên nhau. Nhưng nếu đưa ra mức giá không hấp dẫn, XL7 có thể tiếp tục trở thành một bản sao mờ nhạt của Ertiga về doanh số bán hàng. Với vị thế hiện có trong phân khúc, những toan tính từ Suzuki phần nào cho thấy đúng đắn khi XL7 được đón nhận tích cực, trở thành mẫu xe chủ lực của hãng tại Việt Nam. Suzuki XL7 lăn bánh tại một địa điểm ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Thành Nhạn Suzuki XL7 phát triển dựa trên mẫu MPV 7 chỗ Ertiga. Thay vì cách lắp thêm body-kit hầm hố kiểu việt dã như cách Mitsubishi thực hiện trên Xpander Cross, Suzuki tạo ra một “bản độ” chính hãng, đổi mới thiết kế đầu xe. Đèn pha nâng cấp từ halogen thấu kính lên dạng LED. Cản trước, vòm bánh xe mạnh mẽ hơn. Tại Việt Nam, xu hướng chọn xe theo tiêu chí “phần nhìn” là một trong những yếu tố chi phối hàng đầu. Một mẫu xe dùng cho mục đích kinh doanh nhưng đi phố vẫn thời trang là một điểm cộng lớn. Ở Ertiga, nét hiện đại và thời trang không được đánh giá cao như đối thủ Xpander. Điều đó phần nào phản ánh ở sức hút trái ngược, biểu hiện bằng doanh số tương phản lớn của hai mẫu xe này dù chung xuất xứ lắp ráp, cấu hình và động cơ tương đương. XL7 với những thay đổi ở ngoại hình, tạo ra một phiên bản nâng cấp hoàn thiện hơn nhiều so với Ertiga. Dù gắn mác xe lai SUV với vẻ ngoài nam tính, nét bóng bẩy, hiện đại của XL7 còn nhỉnh hơn cả mẫu xe thuần phong cách MPV chở người. Xe trang bị la-zăng 16 inch, đèn hậu LED và có thêm thanh chằng đồ trên nóc xe. Nếu so với Xpander, XL7 vẫn thiếu nét cá tính và thiết kế có phần an toàn hơn. Tiến vào bên trong, khoang nội thất XL7 thừa hưởng những gì đã có trên Ertiga Sport (bản số tự động) với màn hình cảm ứng 10 inch lớn nhất phân khúc, tương thích Apple CarPlay/Android Auto. Ghế nỉ kèm tùy chọn bọc da, điều hòa tự động phía trước và cửa gió ở hàng ghế thứ ba. Khoang lái của XL7. Ảnh: Lương Dũng Trên XL7, hãng sản xuất bố trí nhiều hộc để chai nước, cổng sạc 12V ở mỗi hàng ghế. Việc tiến vào hàng ghế thứ 3 chỉ bằng thao tác một chạm. Không gian ở hàng ghế cuối chỉ phù hợp cho trẻ em và người lớn tầm vóc khoảng 1,65 m trở xuống. So với các đối thủ trong phân khúc, hệ thống treo của XL7 có phần cứng hơn. Phản hồi lên tay lái lẫn khung xe dễ nhận biết khi qua gờ giảm tốc. Tuy vậy khi xe 7 người (toàn tải), cảm giác dằn xóc giảm đi đáng kể, xe ít bồng bềnh hơn. Cách âm của xe ở mức vừa phải ở tốc độ dưới 60 km/h. Tiếng ồn từ lốp hay động cơ dội vào cabin khá nhiều khi chạy cao tốc. Không có chức năng kiểm soát hành trình như đối thủ Xpander là một điểm thua thiệt của XL7. Động cơ trên XL7 loại máy xăng 1,5 lít công suất 103 mã lực tại vòng tua máy 6.000 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 138 Nm tại 4.400 vòng/phút. Hộp số tự động 4 cấp. Phản ứng chân ga của xe khá nhạy nhưng chỉ dành cho những tài xế lái xe từ tốn, kiểu tăng tốc dần đều. Đạp thốc ga ở dải tốc độ 50 km/h trở lại, xe có độ hẫng nhất định bởi tính năng Kick-down của hộp số. Khi đó, cấp số của xe giảm xuống một cấp đồng thời tăng độ trượt biến mô và vòng tua máy tăng lên. Lúc này xảy ra hiện tượng xe khựng lại, sau đó mới bắt tốc, vượt lên tạo cảm giác như xe bị hụt hơi mà nhiều khách hàng của Suzuki đã từng phản ánh. Để hỗ trợ cho khả năng tăng tốc của xe, tương tự Xpander, XL7 cũng có tính năng Over-drive (O/D) được kích hoạt bằng nút bấm trên cần số khi xe hoạt động từ dải tốc độ 55-60 km/h trở lên. Khi đó, cấp số giới hạn không quá số 3, như vậy nếu đang đều tốc ở số 4, tua máy tăng lên và cấp số giảm xuống để gia tăng lực kéo. Trên mẫu xe đắt nhất của Suzuki, hãng bổ sung các công nghệ an toàn mà Ertiga (trước khi bán Ertiga Sport nâng cấp) thiếu như cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc. Camera lùi, trang bị được nhiều chủ xe Ertiga độ đã được hãng lắp trên XL7. So với Xpander, doanh số Suzuki XL7 vẫn còn khoảng cách lớn. Tuy nhiên, với mức giá dễ tiếp cận trong phân khúc, thiết kế nam tính và tiện nghi gần tiệm cận các đối thủ, XL7 có cơ sở để kỳ vọng sức bán hàng tốt hơn nếu duy trì nguồn cung ổn định. Thành Nhạn Gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về [email protected] Trở lại Xe Lưu Chia sẻ